Chọn tên miền là công việc quan trọng khi bạn muốn thiết kế website. Nhưng bạn đã biết cách chọn tên miền chưa? Hôm nay, mình sẽ tiết lộ cho bạn các tiêu chí cơ bản giúp bạn chọn tên miền nhanh chóng.
1. Tên miền là gì?
Tên miền hay còn gọi là domain là là địa chỉ trang web mà mọi người nhập vào thanh URL của trình duyệt để truy cập vào một website.
Ví dụ như bạn đang kinh doanh offline bạn có cho mình một cửa hàng thì bạn cần đặt tên cho cửa hàng đó. Lên online cũng vậy khi bạn có cho mình một trang web thì nó cũng được ví như cửa hàng, trụ sở công ty trên online vậy.
Bạn có thể đăng ký tên miền theo từng năm, hoặc nhiều năm tùy theo nhu cầu của bạn.
2. Các tiêu chí chọn tên miền cho website
Để người khác nhớ đến bạn, bạn cần một cái tên. Để người khác biết đến website của bạn, bạn cần có một tên miền (tiếng anh gọi là domain). Tên miền được ví như bất động sản trên thế giới online, một tên miền đẹp có thể gây ấn tượng cho khách hàng của bạn ngay lần đầu tiên.
Bạn đang có ý tưởng xây dựng một website, lựa chọn tên miền là công việc rất quan trọng của bạn. Nó quyết định rất lớn đến sự nổi tiếng và thành công của website đó sau này. Vậy làm sao chọn một tên miền hay, dễ đọc và dễ nhớ để giúp thương hiệu của bạn cất cánh?
Dù là lần đầu tiên hay lần thứ N bạn thiết kế website, chọn được tên miền hay vẫn có thể rất khó khăn đối với bạn (kể cả tôi). Những kinh nghiệm chọn tên miền sau đây sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian, đỡ “vật vã” hơn trong quá trình chọn tên miền cho mình. Bạn đã sẵn sàng chưa?
Okay. Let’s get started!
Có nhiều cách, phương pháp, ý tưởng chọn tên miền hay (chín người mười ý mà 🙂 ) nhưng có thể tóm gọn trong 6 tiêu chí cơ bản để chọn tên miền sau:
Tiêu chí 1: Tên miền đó đã NGẮN nhất chưa?
Tên miền ngắn thì hầu hết đã được sử dụng. Tuy nhiên hãy cố gắng tạo một tên miền không quá dài dòng. Bạn có thể sử dụng phương pháp ghép các từ lại với nhau để tạo ra tên miền, như Facebook.com, Microsoft.com, Webviptop.com,…
Khi chọn Webviptop.com tôi cũng mất khá nhiều thời gian và công sức. Webviptop tham gia vào lĩnh vực thiết kế web và online marketing – lĩnh vực đang có rất nhiều công ty lâu đời hoạt động và mức độ cạnh tranh rất cao (nhưng tôi không lo lắng nhiều, vì tôi tin rằng mình có thể làm tốt hơn họ; bạn cũng nên tin tưởng về sản phẩm của bạn như vậy).
Các tên miền liên quan đến lĩnh vực này đã được đăng ký hết, lúc này tôi phải nghĩ ra cách chọn khác là ghép ba từ WEB VIP TOP lại với nhau để tạo thành tên miền Webviptop.com. Tên miền này vừa ngắn, vừa dễ nhớ và phù hợp với lĩnh vực chúng tôi hoạt động – thiết kế website và online marketing.
Khi tên miền bạn muốn đăng ký đã có người khác đăng ký, bạn có thể dùng tên đó với là đuôi tên miền khác, ví dụ như: .com, .net, .org, .vn, .com.vn, .shop, .co, .io, .xyz, .store, .online … những tên miền này đều có độ ưu tiên như nhau trên các công cụ tìm kiếm.
Tôi luôn khuyến khích bạn chọn một tên miền ngắn cho website vì tên miền ngắn sẽ dễ nhớ hơn. Tên miền càng dài và càng phức tạp thì càng nhiều khả năng bị viết sai. Tên miền ngắn thì dễ nhớ, dễ gõ địa chỉ, và dễ dàng khi cần thiết kế nhãn hiệu, logo…
Tiêu chí 2: Tên miền đó DỄ NHỚ không?
Hãy luôn ưu tiên cái tên thật đơn giản. Thậm chí ngay cả khi nó không có ý nghĩa gì nhiều, nhưng một cái tên đơn giản sẽ khiến người khác dễ nhớ. Cuối cùng rồi cái tên sẽ mang một ý nghĩa nào đó. Hãy xem Apple là ví dụ điển hình cho trường hợp này.
Mẹo nhỏ: Đừng cố “sáng tạo” từ mới. Đừng dùng những từ dễ phát âm sai. Như thế chỉ khiến mọi người không thể tìm ra bạn. Quan trọng nhất là, nếu có thể, hãy chọn một cái tên không có quá 12 ký tự. Các thương hiệu trong top 25 thương hiệu hàng đầu thế giới đều không có quá 12 ký tự. Danh sách những thương hiệu hàng đầu thế giới, bạn có thể xem tại đây.
Tiêu chí 3: Tên miền đó DỄ ĐỌC không?
Cho dù bạn có khả năng marketing đến xuất sắc đên đâu, thì về cơ bản phương pháp marketing tốt để bạn tìm kiếm khách hàng vẫn là marketing truyền miệng (word-of-mouth marketing) – khách hàng hiện tại sẽ giới thiệu tới người khác sản phẩm bạn đang kinh doanh. Thế nên tên miền của bạn phải dễ đọc để mọi người có thể gọi tên nó.
Tên miền dễ đọc giúp bạn dễ dàng đọc tên miền cho ai đó qua điện thoại. Đừng dùng các dấu gạch ngang ( – ) trong tên miền của bạn ( trừ khi bắt buộc ), bởi vì rất dễ nhầm lẫn khi đọc và gõ địa chỉ các tên miền loại này.
Amazon ban đầu có tên là Cadabra. Tuy nhiên, trong một cuộc nói chuyện giữa nhà sáng lập – Jeff Bezos và luật sư của ông, vị luật sư này đã đọc sai tên này thành “Cadaver” (nghĩa là tử thi). Bezos nhận ra rằng những người khác cũng có thể đọc sai như vậy, và ông đã quyết định đổi tên thành Amazon.
Tiêu chí 4: Bạn có THÍCH tên miền đó không?
Bạn sẽ phải nhắc tới tên miền này thường xuyên với nhân viên, khách hàng của mình, nên tốt hơn hết nó nên là cái tên bạn yêu thích. Thường là về sau bạn sẽ ngày một thích cái tên thương hiệu này.
Hãy chọn tên miền mà bạn thấy tự hào, nở mũi khi bạn chia sẻ tên miền đó cho khách hàng tiềm năng của bạn.
Tiêu chí 5: Tên miền có truyền được tải Ý TƯỞNG của bạn?
Nếu tên miền phản ánh rõ ràng được ý tưởng của bạn, thì nó thực sự là một cái tên hoàn hảo.
Ví dụ Webviptop.com truyền tải được ý tưởng của chúng tôi là hoạt động trong lĩnh vực thiết kế website, và online marketing. Mọi website do Webviptop thực hiện đều VIP và TOP trong mắt mọi người.
Tiêu chí 6: Phạm trù càng rộng càng tốt
Nếu công ty của bạn đang trong giai đoạn khởi sự kinh doanh, và không biết được chính xác những gì nó sẽ cung cấp/sản xuất sau này. Vậy nên, đừng sử dụng những từ khóa cụ thể cho tên tên miền của bạn, hay những mô tả quá cụ thể về dịch vụ của bạn.
Ví dụ, công ty ABC của bạn đang hoạt động là sản xuất bao bì, bạn thường có xu hướng đặt tên miền của mình là baobiABC.com, congtybaobiABC.com,…
Trong khi đó tên miền ABC.com , ABC.net, ABC.org,… mới là phù hợp cho bạn nhất, tên miền này cũng phù hợp khi bạn muốn thiết kế website đa ngôn ngữ (website gồm có nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Việt,…). Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, khi thiết kế website cho khách hàng, công việc đầu tiên chúng tôi làm là tư vấn cho khách hàng lựa chọn đúng tên miền cho website của mình.
3. Tên miền có mấy loại?
Sau khi biết các tiêu chí để chọn tên miền hay, bạn có muốn biết có mấy loại tên miền không? Tên miền có 2 loại, đó là Tên miền Quốc tế và Tên miền Quốc gia.
1 – Tên miền Quốc tế
Là tên miền được cấp phát do Tổ chức Quản lý Tên miền Quốc tế ICANN (www.icann.org) cấp phát. Tên miền quốc tế dùng chung cho các quốc gia.
Tên miền quốc tế có phần mở rộng tên miền – phần sau dấu chấm “.” (hay còn gọi là “đuôi” tên miền) trực thuộc và ý nghĩa của nhóm Tên miền Quốc tế như sau:
- .COM Dành cho tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại.
- .BIZ Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh
- .EDU Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
- .GOV Dành cho các cơ quan, tổ chức nhà nước ở trung ương và địa phương.
- .NET Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết lập và cung cấp các dịch vụ trên mạng.
- .ORG Dành cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chính trị, văn hoá xã hội.
- .INT Dành cho các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
- .AC Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu.
- .PRO Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong những lĩnh vực có tính chuyên ngành cao.
- .INFO Dành cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân phối, cung cấp thông tin.
- .HEALTH Dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dược, y tế.
- .NAME Dành cho tên riêng của cá nhân tham gia hoạt động Internet.
- .ASIA Dành cho các tổ chức cá nhân có thể đăng ký được nhưng về ý nghĩa thuộc vị trí địa lý Châu Á.
Nhu cầu sử dụng tên miền ngày càng lớn, nên ICANN cung cấp thêm rất nhiều tên miền quốc tế có phần mở rộng tên miền khác nhau. Tha hồ cho bạn lựa chọn phải không nào?
2 – Tên miền Quốc gia
Tên miền quốc gia là tên miền riêng của từng nước, có phần đuôi là ký hiệu của mỗi quốc gia (Ký hiệu này được quy định bởi Tổ chức Quản lý Tên miền Quốc tế ICANN). Việt Nam có đuôi là .VN, Anh là .UK, Nhật là .JP, Trung Quốc là .CN,…
Ví dụ Tên miền của Google tại Việt Nam là Google.com.vn; của Facebook tại VN là facebook.vn, của YouTube tại VN là youtube.vn,…
4. Chọn tên miền .com hay .vn? Nên chọn tên miền đuôi nào?
Như bạn đã biết, có rất nhiều loại tên miền khác nhau, nhưng người sử dụng internet phần lớn vẫn quen thuộc với những tên miền .COM, .NET, .ORG.
Nếu khách hàng mục tiêu của bạn là toàn cầu, tên miền quốc tế .COM, .NET, .ORG,… sẽ có nhiều lợi thế cho bạn.
Nếu doanh nghiệp của bạn chỉ hoạt động một quốc gia nào đó, bạn có thể xem xét để đăng ký tên miền tại quốc gia này (ví dụ như: .vn, .com.vn, .sg, .au,…).
Vì vậy, hãy ưu tiên chọn Tên miền Quốc tế (.COM, .NET, .ORG, … ) trước, vì khi chọn Tên miền Quốc tế bạn có khả năng mở rộng ra thị trường thế giới mà không cần phải đăng ký thêm bất kỳ Tên miền Quốc gia nào (công việc này sẽ làm sau khi bạn đã nổi tiếng và thật sự dư tiền, nếu bạn đang trong giai đoạn khởi sự kinh doanh thì việc đăng ký nhiều tên miền là KHÔNG CẦN THIẾT).
Trong trường hợp tên miền bạn dự định đăng ký đã có người khác đăng ký trước, đừng quá lo lắng, bạn có thể sử dụng tên miền đó, nhưng với phần mở rộng tên miền khác cũng đang được ưu chuộng như: .io, .co, .shop, .store, .xyz, .group, .company, .top, .website, .shop, .online, .app, .me…
5. Bạn đã chọn được tên miền chưa?
Sau khi đọc xong những tiêu chí cơ bản trên (thực ra chỉ là một mớ lý thuyết suông 🙂 ), bạn đã chọn được tên miền nào chưa? Nếu chưa, đừng quá lo lắng nhé.
Hãy hít một hơi thật sâu và thở ra thật chậm rãi (lặp lại ít nhất 3 lần). Công việc tiếp theo bạn cần làm là lấy một cây bút và một tờ giấy. Hãy liệt kê tất cả những cái tên mà bạn có thể nghĩ ra, càng nhiều càng tốt (công việc này rất rất quan trọng, bạn đừng bỏ qua nhé).
Hãy đọc to nhiều lần danh sách những tên miền mà bạn muốn đăng ký và chọn ra 3 tên miền mà bạn ưng ý nhất. Nếu chúng khó phát âm, khó nhớ, dễ gây nhầm lẫn, hãy chọn tên miền khác.
Trường hợp bạn đã có website nhưng tên miền hiện tại chưa đẹp, chưa phù hợp với định hướng phát triển, bạn có thể chọn lại tên miền mới cho website của mình.
Trên đây là các tiêu chí cơ bản để chọn được một tên miền đẹp như ý, mong rằng sau khi áp dụng những tiêu chí này bạn sẽ chọn được cho mình một tên miền hoàn hảo nhất.
Chúc bạn thành công.
> Có thể bạn quan tâm thiết kế website
Pingback: Tên miền là gì? Bảng giá tên miền
Pingback: THIẾT KẾ WEB GIÁ RẺ, và SỰ THẬT bạn cần biết trước khi làm website